Bộ phim được dàn dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết "Ngôi sao bất tử" của nhà văn Xô Viết E. Kadakêvich...
Cuối năm 1942, khi cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên xô đang ở vào thời điểm nguy nan, ngặt nghèo nhất, nhà văn Alêchxây Tônxtôi đã viết: “Trong cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc, hoặc chiến thắng, hoặc là chết, nhân dân đã tìm thấy trong bản thân mình những sức mạnh đạo đức to lớn và ngày càng đòi hỏi gắt gao nền văn học của mình những tác phẩm vĩ đại. Trong tháng ngày chiến tranh, văn học Xô viết đã trở thành nền nghệ thuật mang tính nhân dân chân chính, trở thành tiếng nói tâm hồn của nhân dân anh hùng”.
Ngạn ngữ châu Âu có câu: khi Thần Chiến tranh gầm thét thì Thần Vệ nữ im lặng. Vậy mà trong bão lửa của những trận đánh long trời lở đất, văn học Xô viết đã sản sinh ra bao thiên anh hùng ca về cuộc chiến đấu vĩ đại của toàn dân tộc, phản ánh ý nghĩa lịch sử của biến cố mang tính toàn cầu. Hơn một nghìn hội viên của Hội Nhà văn Liên xô đã khoác áo lính tiến ra mặt trận. Nhiều nhà văn nổi tiếng như A.Gaiđa, Iu. Krưmôp, E. Pêtrôp, V. Xtapxki, N. Utkin, A. Lêbêđep v.v. đã vĩnh viễn ngã xuống trên trang viết của đời mình.
Trong hàng loạt tác phẩm văn học ưu tú thời kì này, cảm xúc nghệ thuật chân thực, sắc bén kết hợp nhuần nhuyễn với ước vọng cao đẹp và niềm tin tất thắng đã trở thành nguyên tắc tư tưởng thẩm mĩ chủ đạo của các nhà văn Liên xô. Trước hiện thực khắc nghiệt của cuộc chiến tranh gian nan và tàn khốc, các nhà văn dù không né tránh những đau thương, mất mát nhưng trang viết của họ vẫn đậm chất nhân văn, chứa chan niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Truyện Ngôi sao của E. Kadakêvich là một tác phẩm như thế. Ngôi sao, tên tác phẩm, đồng thời cũng là mật danh của đội trinh sát đặc nhiệm thuộc một sư đoàn Hồng quân. Họ là những chiến sĩ tinh nhuệ, dạn dày lửa đạn, tuy cá tính rất khác nhau nhưng tất cả đều giống nhau ở lí tưởng và mục đích chiến đấu cao cả: vì Tổ quốc, sẵn sàng hi sinh. Nổi bật lên trong số những người lính Nga dũng cảm, bình dị ấy là hình tượng đội trưởng – trung úy Trapkin. Trong đơn vị, anh là một con người điềm tĩnh, ít nói, sống chan hòa với đồng đội; trong chiến đấu, anh là người chỉ huy mưu trí, quả cảm, luôn dẫn dắt đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ dành được sự tín nhiệm tuyệt đối của các cấp chỉ huy và anh em trong đơn vị, Trapkin còn chiếm được tình yêu nồng thắm của cô hiệu thính viên xinh đẹp Cachia.
Giữa cánh rừng trận mạc, mối tình thi vị, trong sáng của Trapkin và Cachia ngân vang như một khúc ca lãng mạn, làm nổi bật vẻ đẹp dịu dàng mà gan góc của tâm hồn Nga, một vẻ đẹp “cứu cả thế giới” – như M. Đôtxtôiepxki từng nói.
Cảm hứng lãng mạn của tác phẩm càng được tô đậm khi Trapkin và đội trinh sát nhận lệnh luồn sâu vào vùng địch hậu. Nhiệm vụ của họ thật nguy hiểm, nặng nề: phải xác định chính xác toạ độ tập kết bí mật của sư đoàn phát xít Vikinh, giúp bộ tư lệnh mặt trận có kế hoạch tiêu diệt chúng ngay tại căn cứ.
Từ đây, đội trinh sát phải sống cách biệt với tập thể sư đoàn, từng giờ từng phút cận kề cái chết; từ đây, họ chỉ còn mối liên lạc duy nhất với sư đoàn thông qua điện đài của Cachia. Với tinh thần hi sinh quên mình vì nhiệm vụ, các nhân vật trong Ngôi sao đã vươn tới một vẻ đẹp lí tưởng, sánh ngang những gì cao cả nhất của thiên nhiên vĩnh hằng: “Như chim rừng, họ không còn tên nữa. Họ hoàn toàn có thể từ bỏ tiếng nói của loài người để chỉ dùng tiếng chim làm tín hiệu liên lạc với nhau. Họ hoà tan vào đồng ruộng, rừng rậm, thung lũng, trở thành thần linh của những khoảng không gian đó – một thần linh đáng sợ, luôn rình mò, và trong chiều sâu thẳm của bộ óc chỉ có một ý nghĩ: nhiệm vụ của mình”.
Trong vùng địch hậu, các chiến sĩ trinh sát đã phải đối mặt với muôn vàn thử thách khó khăn. Luồn sâu, tránh địch, chạm địch, chiến đấu, rồi lại chiến đấu, chạm địch, tránh địch, luồn sâu… Có lần, đội trinh sát tưởng như đã hoàn thành nhiệm vụ khi họ phát hiện được một khu tập kết pháo binh, xe tăng của quân giặc và thông báo toạ độ cho máy bay ta ào đến ném bom. Nhờ linh cảm kì diệu và tinh thần trách nhiệm cao độ, Trapkin đã bò vào tận nơi để kiểm tra kết quả, khi đó cả đội mới biết đấy chỉ là trận địa giả mà bọn phát xít bày ra làm kế nghi binh.
Những cuộc chạm súng vẫn tiếp diễn, nhiều chiến sĩ trong đội lần lượt hi sinh, rồi điện đài bị hỏng … Trong hoàn cảnh khó khăn cực điểm, toàn đội trinh sát vẫn không một ai ngã lòng. Bằng ý chí kiên cường, hành động táo bạo và nghị lực vô song, họ vẫn luồn rừng, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Khi phát hiện được căn cứ tập kết thực của sư đoàn Vikinh, đội trinh sát chỉ còn lại ba người. Cố thủ trong ngôi nhà gỗ ven rừng, giữa vòng vây dày đặc của quân phát xít, các chiến sĩ vừa nổ súng quyết liệt, vừa cố gắng tìm cách sửa chữa điện đài. Hơn ai hết, Trapkin hiểu rằng bộ tư lệnh mặt trận, và cả Cachia nữa, đang mong chờ tín hiệu của anh từng phút, từng giây…
Giờ sinh tử đã điểm, các chiến sĩ đang bắn những viên đạn cuối cùng. Đột nhiên, chiếc điện đài hoạt động. Và trong khoảnh khắc bi tráng ấy, “Ngôi sao” Trapkin đã kịp thông báo về “Trái đất”- mật danh của sư đoàn – những tin tức cần thiết nhất, ngay trước khi ngôi nhà gỗ bốc cháy rừng rực và sụp đổ tan tành..
Ngôi sao quả cảm đã tắt trong không gian, thế nhưng ở bên kia lửa khói, Cachia vẫn kiên cường chờ đợi. Cô vẫn gọi mãi vào điện đài mật hiệu Ngôi sao thân yêu, đôi mắt mở to của cô vẫn tràn đầy hi vọng. Thời gian trôi đi,“không ai còn chờ đợi nữa, nhưng cô vẫn chờ. Và khi cuộc tấn công chưa bắt đầu, không ai dám đến mang điện đài đi”.Ngôi sao là một trong những tác phẩm xuất sắc của dòng văn học Xô viết viết về chiến tranh. Tác phẩm đã được tặng Giải thưởng Xtalin năm 1947.