“NHỮNG CÔNG DÂN TẬP THỂ” là bộ phim thuộc thể loại tâm lý tình cảm được khai thác theo chiều hướng hài hước, vẽ nên một bức tranh đa sắc màu về những đổi thay trong nếp sống, trong con người ở những căn hộ tập thể tồn tại từ thập niên 70. Bộ phim diễn tả uyển chuyển sự đan xen những cung bậc hạnh phúc, tình nghĩa xóm giềng, những xung đột nảy sinh trước sự phát triển đến chóng mặt của đô thị.
36 tập Những công dân tập thể hy vọng hướng khán giả đến một góc nhìn đô thị bằng những phản ánh nhiều chiều về hiện thực, những bài học về tình yêu, tình người cùng trải nghiệm không thể thiếu của cuộc sống hiện đại.
Truyện phim bắt đầu từ khu tập thể Kim Trung vào thời điểm hiện tại. Khi những khu nhà tập thể từ thập niên 70 xuống cấp. Khi sự tha hóa, biến chất ngày một gia tăng. Dương, nhân vật chính trong phim là một phụ nữ khá xinh đẹp, có trình độ, địa vị. Mẹ là giáo viên, sống mẫu mực. Chồng cũng từng là cán bộ tổ chức của một trường Đại học danh tiếng. Đứa con trai kháu khỉnh, thông minh. Cậu em đầy cá tính luôn yêu thương chị hết lòng…Nhưng ít ai biết rằng, khác xa cái vẻ ngoài của cuộc sống đáng được ngưỡng mộ ấy, Dương ngày ngày sống trầm lặng và mỏi mệt trước một người chồng bản tính khô khan, thô vụng, luôn mặc cảm, thiếu tự tin với suy nghĩ sống nhờ nhà vợ.
Cuộc hôn nhân của họ có nguy cơ tan vỡ khi chồng của Dương - Kỉnh gặp Xuyền. Một phụ nữ sẵn sàng lao vào Kỉnh chỉ bởi cơ thể vạm vỡ, khuôn mặt đẹp trai mà không cần quan tâm đến bất kì yếu tố nào khác. Những thay đổi khá “hồn nhiên” sau khi có bồ của anh chồng là điều Dương dễ dàng nhận ra. Cho đến một ngày, Dương bắt gặp Kỉnh và Xuyền tại khách sạn. Dương quyết định ly hôn để có thể tìm được hạnh phúc, nhưng trớ trêu thay, mẹ cô lại đột ngột qua đời vì tai nạn xe máy. Trước khi chết, bà muốn Dương tha thứ cho Kỉnh. Vì mẹ, Dương xé đơn ly hôn.
Song song với tuyến chính là rất nhiều nhân vật khác với những số phận, hoàn cảnh đặc biệt.
Đó là ông Cân bà Lạng. Người bán cháo lòng, người bán chân gà nướng. Họ không giữ ý, cũng chẳng khéo léo. Họ sẵn sàng “khẩu chiến” để đòi quyền lợi. Sẵn sàng “đổ” cho vợ có “phi công trẻ” và ly hôn giả hòng được chia thêm căn hộ nữa… họ thuê hai cô con gái làm việc và trả công sòng phẳng.
Đối lập với ông Cân, bà Lạng là bà Nha, ông Ngô. Một người là bác sĩ, một là nhà văn. Ở tuổi “xế chiều”, họ đến với nhau bằng tình yêu mãnh liệt. Dù con gái bà Nha phản đối, dù con trai ông Ngô hư hỏng, họ vẫn quyết tâm vượt qua để được ở bên nhau. Tình cảm của họ khiến Khôi (con trai ông Ngô) hoàn toàn thay đổi, trở thành một người hữu ích và cũng làm cho Hằng (con gái bà Nha) dẹp bỏ được ích kỉ.
Không chỉ phản ánh đời sống của tầng lớp trung niên, cao niên mà Những công dân tập thể còn đi sâu khai thác tâm lý của những thanh niên thế hệ 8X, 9X như Hoàng, Uyên. Họ đại diện cho lớp trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm. Tình yêu, tiếng cười trong trẻo của họ là điểm sáng cho bộ phim.
Với khối lượng nhân vật đông đảo nhưng được kết nối nhuần nhuyễn. Đề tài đô thị hiện đại, tập trung thể hiện những “góc khuất” của cư dân tập thể. Thuộc dòng phim chính luận nhưng lại được khai thác qua lăng kính hài hước, mang tính giải trí cao. Lời thoại ngắn gọn, sắc nét, gần gũi với đời sống cùng với dàn diễn viên gạo cội… sẽ khiến Những công dân tập thể trở thành một bộ phim đáng xem, đáng suy ngẫm. Phim được thực hiện với đội ngũ làm phim chuyên nghiệp đã được khẳng định nhiều năm qua tên tuổi của VFC.
,