Bộ phim dựa trên cuộc đời của một người có thật, được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh hay và giàu tính nhân văn nhất mọi thời đại. Tác phẩm được đề cử 8 danh hiệu Oscar và giải BAFTA cho “Phim xuất sắc”, “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Năm 1884, trong một lần xem chương trình biểu diễn của những người dị dạng tại London, bác sĩ phẫu thuật Frederick Treves (Anthony Hopkins) nhìn thấy John Merrick (John Hurt), một người có hộp sọ phình to và méo mó. Do ngoại hình kì quái nên John luôn đeo mạng che mặt và bị người ta gọi là “người voi”. Nhận thấy John bị ngược đãi thậm tệ, Frederick trả cho Bytes, người quản lý của John, một khoản tiền để đưa “người voi” về bệnh viện London điều trị, mặc dù Bytes một mực khẳng định John “chỉ là một kẻ đần độn”. Những biến dạng ở hộp sọ của John khiến anh phải ngồi và đặt đầu lên gối mỗi khi ngủ, bởi kích thước quá lớn của sọ có thể khiến John bị ngạt thở nếu anh nằm. Ngoài ra, ở vùng lưng phải và tay phải của “người voi” cũng có nhiều cục bướu lớn khiến anh di chuyển khó khăn. Khi John quay trở lại với chương trình biểu diễn, anh tiếp tục bị đối xử tàn tệ tới mức Frederick buộc phải đưa anh quay trở lại bệnh viện lần thứ hai. Tất cả y tá trong bệnh viện đều kinh hãi khi nhìn thấy John, vì thế bác sĩ Frederick đưa anh vào phòng cách ly. Carr Gomm, giám đốc bệnh viện, yêu cầu Frederick cung cấp đầy đủ thông tin về người bệnh nhân bí ẩn và cảnh báo rằng bệnh viện không phải là nơi ở của những người “không thể cứu chữa”. Frederick cố gắng dạy John nói những câu giao tiếp đơn giản để anh có thể nói chuyện với Carr. Tuy nhiên, trong buổi nói chuyện với giám đốc bệnh viện, do quá căng thẳng nên John chẳng nhớ được gì. Carr bỏ ra ngoài và nói với Frederick rằng, bệnh nhân của anh “chỉ là một gã đần”. Vì thế, Frederick phải đưa John rời khỏi bệnh viện. Ngay khi Carr vừa mất dạng, Frederick nghe thấy John nhắc lại bài thánh ca thứ 23 rất rõ ràng và tự tin. Kinh ngạc, anh gọi Carr. Kinh ngạc trước khả năng của John, vị giám đốc cho anh ở lại. Hóa ra John không những cực kỳ thông minh, nhớ giỏi mà còn có khả năng ăn nói lưu loát. Anh có học vấn khá cao so với những người cùng tầng lớp và hoàn cảnh. Khi còn làm việc cho Bytes, John giả câm để không bị gã đánh đập. Sự kỳ thị của ban lãnh đạo bệnh viện đối với John chấm dứt khi công chúa xứ Wales bất ngờ tới thăm. Vốn là người tài trợ rất nhiều tiền cho bệnh viện nên cô được đón tiếp rất trọng thị. Công chúa tuyên bố hoàng gia Anh sẽ chi tiền để John được điều trị lâu dài tại bệnh viện. Quyết định này được đưa ra sau khi Carr thông báo cho hoàng gia Anh về trường hợp của John. Thế là John có hẳn một ngôi nhà, nơi anh có thể đọc sách, vẽ và thiết kế mô hình một nhà thờ với sự giúp đỡ của cô y tá tốt bụng Norah và bà quản gia Motherhead. Một hôm, Frederick mời John tới uống trà tại nhà riêng. Cảm động trước tình cảm mà vợ chồng bác sĩ dành cho, “người voi” cho Frederick xem tài sản quý giá nhất của anh: bức ảnh người mẹ. Ann (Hannah Gordon), vợ của Frederick, rơi nước mắt khi nghe những lời tâm sự của anh. Nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có ngôi sao điện ảnh Fanny Kemble (Anne Bancroft), tới thăm John vì tò mò. Chẳng bao lâu “người voi” trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong giới thượng lưu. Khi số lượng người tới thăm John ngày càng tăng lên, Frederick bắt đầu cảm thấy lo ngại, bởi anh biết người ta chỉ coi John như trò tiêu khiển. Ngôi nhà của John tuy đầy đủ tiện nghi, nhưng lại không đủ kín đáo giúp anh thoát khỏi ánh mắt nhòm ngó từ bên ngoài. Một quán rượu gần đó nghĩ ra một chiêu độc đáo để tăng doanh thu: yêu cầu khách hàng trả tiền để được ngắm “người voi”. Trong khi đó, Bytes cũng mưu toan đoạt lại “tài sản cũ”. Hắn bắt cóc John, đưa anh sang Bỉ, nơi anh phải tiếp tục tham gia các buổi trình diễn vô nhân tính. John tìm cách trốn thoát và quay trở lại London. Tuy nhiên, tại một nhà ga tàu hỏa, John bị một đám thanh niên chọc ghẹo và vô tình làm ngã một cô gái. Đám đông đuổi theo anh, lột tấm mạng che mặt và toan đánh. Đúng lúc ấy John mới gào lên: “Tôi không phải là động vật! Tôi là một con người! Tôi là một người đàn ông!”. Đám đông bỏ đi, còn John đổ sụp vì kiệt sức.Cảnh sát đưa John trở lại bệnh viện London. Frederick nhận ra rằng “Người voi” sắp chết vì bệnh nghẽn phổi. Khi tin này loan ra, nữ diễn viên Fanny Kemble quyết định tổ chức một buổi biểu diễn dành riêng cho John, nơi anh sẽ ngồi giữa những người bạn tốt: Frederick, y tá Norah, Ann và công chúa xứ Wales. Xuất hiện trên khán đài với bộ quần áo đắt tiền và chiếc nơ trắng, John đứng dậy để đón nhận những tràng pháo tay của khán giả. Đêm hôm ấy, khi quay trở lại bệnh viện, “người voi” biết rằng anh đã trải qua ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Anh cảm ơn Frederick vì tất cả những gì mà vị bác sĩ đã làm, hoàn thành mô hình nhà thờ và thanh thản đón nhận cái chết. Mặc dù được dàn dựng theo những sự kiện có thật nhưng bộ phim có nhiều điểm khác so với thực tế. Chẳng hạn, tên thật của “người voi” là Joseph Merrick, chứ không phải John Merrick. Những sự kiện ở Bỉ và việc “người voi” bị đám đông rượt đuổi ở nhà ga xảy ra trước khi John được điều trị tại bệnh viện London. Trong phim, John bị bắt cóc và đưa tới Bỉ, nhưng trên thực tế anh tự sang Bỉ vì chương trình biểu diễn của người dị dạng được coi là bất hợp pháp tại Anh. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy, John đã bị ngược đãi trong quá trình biểu diễn tại Anh. Ngược lại, anh còn tiết kiệm được rất nhiều tiền và coi người quản lý là bạn thân. Bác sĩ Frederick không “cứu” John khỏi người quản lý, mà chính anh tìm tới Frederick với một mẩu giấy ghi rõ yêu cầu được điều trị. Trên trang Imdb.com, The Elephant Man được xếp ở vị trí 88 trong danh sách 250 phim hay nhất mọi thời đại. Khoảnh khắc mà John Merrick kêu lên: “Tôi không phải là động vật! Tôi là một con người! Tôi là một người đàn ông!” được độc giả của tạp chí Entertainment Weekly bình chọn là một trong những khoảnh khắc bi thương nhất trong lịch sử điện ảnh.
,